Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng gần một nửa số người trẻ thuộc công đồng LGBTQ+ Hàn Quốc đã suy nghĩ nghiêm túc hoặc có ý định tự tử trong năm qua. Những định kiến đến từ xã hội được coi là nguyên nhân chính gây ra việc này.
Từ tháng 8 đến tháng 9 năm ngoái, nhóm nhân quyền LGBTQ+ Hàn Quốc Dawoom đã khảo sát 3.911 người thuộc cộng đồng lục sắc trong độ tuổi từ 19 đến 34, đã cư trú tại Hàn Quốc trong 10 năm.
Kết quả được công bố trong báo cáo có tiêu đề “Khảo sát về mong muốn xã hội và điều kiện sống thực tế của giới trẻ và thiểu số tình dục” vào cuối tháng 5/2022. Theo đó, 41,5% số người được hỏi cho biết họ từng suy nghĩ về việc tự sát trong quá khứ, và có 8,2% người trả lời cho biết họ đã cố gắng tự tử.
Nhiều người thuộc cộng đồng LGBTQ+ tại Hàn Quốc bị kỳ thị
Tỷ lệ tự tử của những cá nhân trẻ tuổi thuộc cộng đồng LGBTQ+ ở Hàn Quốc cao hơn rõ rệt so với giới trẻ nước này nói chung. Theo một báo cáo có tên “Khảo sát về điều kiện sống và nhu cầu phúc lợi của thanh niên” do Viện Sức khỏe và Xã hội Hàn Quốc công bố vào năm 2020, chỉ 2,74% người trẻ được hỏi cho biết bản thân "đã nghiêm túc nghĩ tới việc tự sát trong quá khứ."
Khác biệt này có lẽ một phần bắt nguồn từ sự kỳ thị mà người LGBTQ+ phải đối mặt. Theo khảo sát của Dawoom, 3 trong số 10 người được hỏi (33,6%) cho biết họ từng bị phân biệt đối xử trong năm 2021 do xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới của bản thân.
Đặc biệt, 66,9% người chuyển giới được hỏi cho biết bản thân từng bị kỳ thị. Điều này cho thấy cộng đồng người chuyển giới tại Hàn Quốc phải chịu nhiều định kiến nghiêm trọng. Tỷ lệ người chuyển giới trẻ tìm cách tự sát cũng cao hơn những người trẻ khác thuộc cộng đồng lục sắc. Cụ thể, 20,2% người chuyển giới nam và 12,9% nữ chuyển giới cho biết họ đã cố gắng tự tử trong năm qua.
Người chuyển giới Hàn Quốc vấp phải nhiều định kiến từ xã hội.
Bên cạnh đó, các cá nhân thuộc cộng đồng LGBTQ+ trong độ tuổi được khảo sát tại Hàn Quốc cũng hiếm khi báo cáo sự bất công mà họ đã trải qua với các cơ quan liên quan. Khi được hỏi cách đối phó khi bị phân biệt đối xử, chỉ 4,0% người cho biết họ đã báo cảnh sát.
Với câu hỏi tại sao không báo cáo việc bị kỳ thị, 53,0% người cho biết “dù báo cáo cũng không có gì thay đổi”, trong khi 53,0% khác nói “cảm thấy chuyện này quá quen thuộc, không đáng phải giải trình với cơ quan có thẩm quyền”.
Chingusai, một nhóm hoạt động vì quyền của người đồng tính nam Hàn Quốc, cũng phát hiện trong “Khảo sát về mong muốn xã hội của cộng đồng LGBTI ở Hàn Quốc” công bố năm 2014 chỉ có 4,4% người được hỏi báo cáo về sự việc bị kỳ thị với các cơ quan liên quan.
Con số này và kết quả khảo sát của Dawoom cho thấy niềm tin của những người trẻ thuộc cộng đồng LGBTQ tại Hàn Quốc vào các cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ những người thuộc nhóm giới tính thiểu số không hề tăng trong 8 năm qua.
Cũng theo khảo sát của Dawoom, 60,3% người được hỏi cho biết họ tin rằng chính sách cần thiết nhất đối với người đồng tính/chuyển giới ở Hàn Quốc là "một đạo luật toàn diện chống phân biệt đối xử”. Một số khác thì cho là “Pháp luật công nhận hôn nhân đồng giới” (42,5%), "Pháp luật công nhận các mối quan hệ đồng giới ngoài hôn nhân” (38,0%),...
Người thuộc cộng đồng LGBTQ+ tại Hàn Quốc còn e ngại trong việc lên tiếng bảo vệ bản thân.
Thông qua kết quả khảo sát, Dawoom tuyên bố: “Chính phủ vẫn đang tỏ thái độ thờ ơ trong việc tiến hành các nghiên cứu và phát triển chính sách cho người thuộc cộng đồng LGBTQ+”. Nhóm cũng kêu gọi chính phủ Hàn Quốc “đưa bản dạng giới và xu hướng tính dục vào các nghiên cứu đại diện cho quốc gia”.
Vào tháng 3, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc đã khuyến nghị thủ tướng và các cơ quan hành chính trung ương tiến hành các nghiên cứu về các vấn đề của cộng đồng LGBTQ+ ở Hàn Quốc, đồng thời thiết lập các mục khảo sát mới liên quan đến những cá nhân thuộc cộng đồng này trong các nghiên cứu thống kê quốc gia.
Xem ngay : ilike.vn - Trang tin giải trí thể thao công nghệ dành cho giới trẻ Việt Nam